TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Công chứng sai có thể dẫn đến việc chuyển dịch tài sản nhầm địa chỉ và điều đó cũng có nghĩa rằng sẽ có người nào đó bị thiệt hại. Loại rủi ro nghề nghiệp này là mối đe dọa cả đối với công chứng viên nhà nước và công chứng viên tư nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp công chứng nhà nước phạm sai lầm gây thiệt hại, thì có Nhà nước đứng đằng sau, đóng vai người bảo trợ, bồi thường thay cho viên chức thi hành công vụ; trong khi đằng sau công chứng tư nhân chẳng có ai.
Bởi vậy, vấn đề bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên tư nhân được xã hội đặt ra thậm chí trước khi các văn phòng công chứng tư mở cửa đón những người khách đầu tiên. Đáng tiếc là người làm luật đã tỏ ra chậm chạp, nặng nề, thiếu nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề này.
Trong khung cảnh luật hiện hành, mỗi khi cần xác định trách nhiệm vật chất của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, người ta chỉ có thể dựa vào luật chung về trách nhiệm dân sự. Cụ thể, nếu công chứng viên làm sai, dẫn đến thiệt hại cho người khác, thì phải bồi thường thiệt hại bằng toàn bộ tài sản của mình. Thoạt nghe, dễ nghĩ rằng người bị thiệt hại được pháp luật bảo vệ tốt; nhưng trên thực tế, nạn nhân của công chứng viên, cũng như bất kỳ nguyên đơn dân sự nào trong một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chỉ là một chủ nợ không có bảo đảm của người gây thiệt hại.
Rõ hơn, muốn cưỡng chế việc bồi thường thì người bị thiệt hại phải chỉ ra các tài sản thuộc sở hữu của người gây thiệt hại, có thể bán được để trả nợ . Nếu người gây thiệt hại có chủ nợ được bảo đảm bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp, thì người bị thiệt hại phải để chủ nợ được ưu tiên trả nợ trước. Nếu ngoài người bị thiệt hại, người gây thiệt hại còn có các chủ nợ không có bảo đảm khác nữa, thì việc trả nợ được thực hiện theo quy tắc “chạy đua”: ai đến trước được trả trước; ai đến sau được trả sau, bằng những gì còn lại; ai chậm chân, đến muộn, chẳng còn gì để bán trừ nợ, thì đành chịu.
Ở các nước tiên tiến, trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được bảo hiểm bắt buộc. Trong trường hợp công chứng viên được bảo hiểm nghề nghiệp mắc sai sót về chuyên môn mà không phải do lỗi cố ý, gây thiệt hại cho một người nào đó, thì công ty bảo hiểm sẽ thế chỗ công chứng viên trong vai trò người bồi thường.
Filed under: Trách nhiệm dân sự | Leave a comment »