TS. PHAN HỮU THƯ
Trong 360 năm dài tồn tại, triều đại nhà Lê đã để lại cho hậu thế những thành tựu to lớn trên lĩnh vực pháp luật và điển chế. Trong số các thành tựu đó phải kể đến Quốc triều Hình luật, một Bộ luật quan trọng nhất và chính thống nhất của Triều Lê. Quốc triều Hình luật cũng chính là Bộ luật cổ xưa nhất mà chúng ta còn lưu giữ được đầy đủ cho đến ngày nay.
Theo như tên gọi, Quốc triều Hình luật chính là Luật hình Triều Lê, nghĩa là chỉ bao gồm những quy định liên quan đến luật hình sự đương thời. Tuy nhiên, do ra đời từ năm 1470 đến 1497 hoặc sớm hơn cho nên người làm luật thời đó chưa phân biệt rạch ròi các ngành luật như bây giờ.
Quốc triều Hình luật bao gồm sáu quyển, mỗi quyển có hai chương, riêng quyển ba có ba chương. Trong đó hai chương Hộ hôn và Điền sản nằm trong quyển sáu là những chương quy định về dân sự nhiều nhất, mặc dù rải rác trong một số chương đều đề cập một vài vấn đề dân sự hoặc hôn nhân gia đình.
Theo Vũ Văn Mẫu thì trong Bộ luật của nhà Lê có rất nhiều điều tân kỳ mà cả các Bộ luật đời nhà Đường cũng như các Bộ luật Trung Hoa không đề cập. Những điều tân kỳ nằm rải rác ở khắp các chương nhưng chủ yếu tập trung ở hai chương Hộ hôn và Điền sản, bởi vì, theo quan niệm cổ điển, các điều thuộc về dân luật thường không được các nhà làm luật Đông phương quy định. Vì vậy, trong luật Trung Hoa, không có các quy định rõ ràng về cách thức thảo các văn tự, chứng thư, chúc thư, không định rõ về chế độ tài sản của vợ chồng trong lúc sinh thời cũng như trong lúc góa bụa, không ấn định minh bạch các việc về thừa kế. Trong khi đó, các vấn đề này đã được lần lượt trình bày trong Quốc triều Hình luật. Điều 366 quy định về cách thức làm chúc thư hay các chứng thư khác, Điều 374, 375, 376 quy định về chế độ tài sản riêng của vợ chồng; trong các điều khác (từ Điều 288-400) đã quy định các vấn đề về thừa kế và hương hỏa.
1. Về chế độ tài sản riêng của vợ chồng
Điều 374 đưa ra các trường hợp khác nhau, trong đó đề cập chủ yếu đến những vấn đề sau đây:
– Trong trường hợp chồng (hoặc vợ) cùng vợ (hoặc chồng) trước có con, chồng (hoặc vợ) sau không có con mà chồng (hoặc vợ) trước chết không có chúc thư thì điền sản thuộc về con vợ trước hay con chồng trước.
– Cũng trong trường hợp tương tự nhưng nếu cha mẹ còn thì lại xử khác đi, cụ thể là, nếu vợ trước có một con, vợ sau không có con, thì điền sản chia làm ba, cho con vợ trước hai phần, vợ sau một phần, nếu vợ trước có hai con trở lên, thì phần vợ sau chỉ bằng phần của các con thôi,
phần của vợ sau chỉ để nuôi dưỡng một đời mình, không được nhận làm của riêng, nếu vợ sau chết hoặc cải giá lấy chồng khác thì phần ấy lại về con chồng.
– Trong trường hợp nếu điền sản là của chồng và vợ trước làm ra thì chia làm hai phần, vợ trước và chồng mỗi người một phần, phần của vợ trước thì để riêng cho con, còn phần chồng lại chia như trước.
– Nếu như điền sản của chồng và vợ sau làm ra, thì cũng chia làm hai phần, chồng và vợ sau mỗi người một phần, phần của chồng thì chia như trước, còn phần của vợ sau thì được nhận làm của riêng.
Điều 375 quy định trường hợp điền sản của cha mẹ để cho, vợ chồng không có con, nếu người chồng chết trước không có chúc thư thì điền sản được chia làm hai phần, về người họ ăn thừa tự một phần để giữ việc tế tự; về vợ một phần, phần của người vợ thì chỉ để nuôi đời mình không được nhận làm của riêng, vợ chết hay cải giá thì phần ấy lại thuộc về người thừa tự, nếu cha mẹ còn sống thì thuộc về cha mẹ cả.
Trong trường hợp điền sản của vợ chồng là ra thì cũng chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần, phần của vợ được làm của riêng, phần của chồng lại chia làm ba, cho vợ hai phần, để về việc tế tự và phần mộ một phần, hai phần cho vợ cũng chỉ để nuôi một đời mình, không được nhận làm của riêng, vợ chết hay cải giá thì phần ấy lại để về việc tế tự và phần mộ của vợ chồng. Theo Điều 376 thì nếu vợ chồng đã có con, nếu một người chết trước sau đó con cũng lại chết thì điền sản thuộc về chồng hay vợ. Nếu vợ chết trước thì điền sản của vợ chia làm ba, để cho chồng hai phần, cho người họ (người thừa tự) một phần. Cha mẹ còn sống thì chia làm hai, thuộc về cha mẹ một phần, thuộc về chồng một phần, phần của chồng chỉ để nuôi một đời, không được nhận làm của riêng, chồng chết thì phần ấy thuộc về cha mẹ hay người thừa tự, chồng chết trước thì vợ cũng thế, cải giá thì phải trả lại.
Ở thế kỷ 15 mà nhà lập pháp nước ta đã có tư duy pháp lý thật hợp tình, hợp lý, phù hợp với đạo đức của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Theo Vũ Văn Mẫu thì "các tòa án ở Nam việt thường hay căn cứ vào các điều này để phân xử các vụ kiện liên quan đến tài sản của vợ chồng). Tuy nhiên, nhà lập pháp cũng chưa thể có một trình độ lập pháp mang tính khoa học, các điều khoản phần lớn mang tính chất thí dụ, thiếu tính bao quát và điển hình. Bỏ qua những điều nêu trên thì những quy định về tài sản riêng của vợ chồng trong Quốc triều Hình luật cũng vẫn là một thành tựu lập pháp trong lịch sử của Việt Nam.
2. Về vấn đề thừa kế và hương hỏa
Quốc triều Hình luật đã chú ý đến việc nhắc nhở cha mẹ phải liệu tuổi già mà làm chúc thư cho các con cũng như quy định những điều kiện để một chúc thư có hiệu lực pháp luật.
Điều 390 quy định "người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư".
Điều 366 quy định "những người làm chúc thư văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phạt 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được".
Như vậy, có thể thấy trong Điều 366 này nhà lập pháp đã quy định về hình thức viết chúc thư của văn khế. Nhà lập pháp cũng quy định luôn là người lập chúc thư văn khế là quan trưởng, đồng thời quan trưởng cũng là người chứng kiến chúc thư. Không tuân theo điều kiện của Điều 366 thì không những chúc thư đó không có giá trị mà còn bị phạt 80 trượng và phạt tiền theo việc nặng nhẹ.
Các quy định về thừa kế chủ yếu nằm ở trong các Điều 374-400. Quốc triều Hình luật phân biệt diện thừa kế tương đối hẹp. Chủ yếu là những người có quan hệ gần như trực tiếp với người để lại di sản. Đó có thể là vợ chồng trước, vợ chồng sau, các con, cha mẹ. Trong những người thuộc diện thừa kế này, Quốc triều Hình luật không phân biệt các hàng thừa kế nhưng có phân biệt trong từng trường hợp cụ thể, ai được hưởng bao nhiêu tùy vào vị trí của người đó. Ví dụ, người vợ trước được hưởng nhiều hơn người vợ sau. Thậm chí trong một số trường hợp người vợ sau tuy có được hưởng thừa kế thì cũng chỉ được hưởng "bằng phần của các con thôi, phần của vợ sau chỉ để nuôi dưỡng một đời mình không được nhận làm của riêng" (Điều 374). Trong hàng các con thì cũng cần phân biệt giữa con vợ trước và con vợ sau.
Quốc triều Hình luật cũng quy định trường hợp thừa kế đối với con cháu trong trường hợp cha mẹ, ông bà chết cả. "Ông bà cha mẹ chết cả, mà người trưởng họ bán điền sản của con cháu không có lý do chính đáng thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, trả lại tiền cho người mua và con cháu mỗi bên một nửa; điền sản thì phải trả lại cho con cháu" (Điều 379).
Quốc triều Hình luật cũng quy định trường hợp con nuôi được hưởng thừa kế "con nuôi mà có văn tự là con nuôi và ghi trong giấy rằng sau sẽ chia điền sản cho, khi cha mẹ nuôi chết không có chúc thư, điền sản đem chia cho con đẻ và con nuôi. Nếu trong giấy của con nuôi không ghi là sẽ cho điền sản thì không dùng luật này. "Đúng phép, nghĩa là điền sản chia làm ba; con đẻ được hai phần, con nuôi được một phần; nếu không có cha mẹ mà con nuôi ở với cha mẹ từ thủa bé, thì được cả; thủơ bé không cùng ở thì con nuôi được hai phần, người thừa tự được một phần" (Điều 380).
Đối với những người đã đi làm con nuôi người khác rồi luật cũng không bỏ sót. Điều 381 quy định rõ: "Những người đã làm con nuôi người khác họ rồi, mà lại về tranh điền sản của người tuyệt tự trong họ thì được chia bằng một nửa phần của người thừa tự. Nếu không được cha mẹ nuôi chia điền sản cho thì không dùng luật này".
Về hương hỏa, các quy định cũng tương đối chặt chẽ: "Nếu cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau, phần con của vợ lẽ, nàng hầu thì phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình" (Điều 388). "Người trưởng họ liệu chia nhiều ít cho phải, rồi làm giấy giao lại về phần hương hỏa thì theo lệ cũ lấy một phần 20 (trong điền sản. Như người cha làm trưởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hỏa, đến khi con làm trưởng họ thì lại đem ruộng đất hương hỏa của cha mẹ nhập cả vào phần các con, chia ra xem mỗi phần được bao nhiêu mới lấy một phần 20 làm hương hỏa. Cháu làm trưởng họ thì cũng thế. Nhưng khi có trường hợp người nhiều mà ruộng ít, thì phần hương hỏa và phần các con cháu , cho được tùy tiện mà chia; miễn là thuận tình cả không có sự tranh giành nhau, thì cho tùy nghi" (Điều 390). Điều 391 cũng quy định "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một phần 20".
Quốc triều Hình luật cũng phân biệt thừa kế theo luật và thừa kế theo chúc thư. Điều 388 phân biệt trường hợp cha mẹ có để lại chúc thư hoặc có lệnh của cha mẹ thì phải theo đúng, còn nếu cha mẹ không để lại chúc thư thì phải tuân theo các quy định của luật.
Mặc dù ra đời đã mấy thế kỷ nay nhưng Quốc triều Hình luật vần còn mãi như một di sản quý báu của cha ông chúng ta trong kinh nghiệm lập pháp. Có nhiều điểm cho đến bây giờ cũng không xa chúng ta bao nhiêu như có thể lập con gái trưởng làm người giữ hương hỏa, phân biệt thừa kế theo luật và thừa kế theo di chúc, phân biệt thừa kế giữa những người trong diện thừa kế. Việc nghiên cứu Quốc triều Hình luật bởi các nhà dân luật còn qúa ít ỏi, hy vọng là trong thời gian tới công tác này được chú ý hơn.
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 01 NĂM 1996
Filed under: Lý luận chung |
Leave a Reply