Phát triển toàn diện nguồn nhân lực quốc gia là nhiệm vụ xuyên suốt và mang tính chiến lược của Đảng ta. Một trong những nguồn lực quan trọng ấy chính là tầng lớp trí thức Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ sinh viên – những chủ nhân tương lai, lực lượng quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Để giúp sinh viên có được những kỹ năng mềm ấy, phương pháp dạy học tích cực của giảng viên có vị trí đặc biệt quan trọng.
Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức cũng như phát triển tổng hợp các kỹ năng mềm cần thiết cho người học.
Theo từ điển Giáo dục học, “kỹ năng là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ”(1). Có tác giả cho rằng: “Kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn mà thiên về mặt tinh thần của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, công việc nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả”(2).
Như vậy, theo cách định nghĩa trên thì thuật ngữ kỹ năng mềm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống của con người. Đó chính là hành vi ứng xử của mỗi người, là cách tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, cách làm việc nhóm. Tồn tại song song với những yêu cầu về mặt chuyên môn thì kỹ năng mềm cũng là nhân tố có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định thành công hay thất bại, hiệu quả hay kém chất lượng trong công việc và hoạt động thực tiễn.
Filed under: Kinh nghiệm học tập, Kinh nghiệm đào tạo | Leave a comment »