THS. VŨ THỊ LAN HƯƠNG – Khoa Luật, Đại học Lao động – Xã hội
Ngay từ thời La Mã cổ đại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra đã được các học giả La Mã đề cập đến thông qua quy định về tố quyền cautio damni infecti (tố quyền để bảo vệ sự thiệt hại viễn ảnh[1]). Theo đó, trong trường hợp một tòa nhà có nguy cơ bị sụp đổ, tạo ra một mối đe dọa cho những người láng giềng thì những người này có quyền yêu cầu các Pháp quan buộc chủ sở hữu của tòa nhà phải nộp một số tài sản bảo đảm với mục đích nếu thiệt hại thực sự xảy ra thì người bị thiệt hại sẽ luôn được bồi thường. Cùng với tố quyền cautio damni infecti, Luật La Mã cũng quy định trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi các vật bị ném ra hoặc rơi ra khỏi tòa nhà (actio effusis et dejectis).
Kế thừa các quy định trong Luật La Mã, sau này, pháp luật dân sự của các quốc gia đều có quy định về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Tuy nhiên, do được xây dựng dựa trên nền tảng những học thuyết khác nhau nên bản chất và nội dung của trách nhiệm này ở các quốc gia cũng được quy định khác nhau.
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong pháp luật của Anh
Ở Anh không có quy định riêng về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Trách nhiệm này nằm trong trách nhiệm BTTH trên tài sản (Liability for harm occurring on premises) được quy định trong Luật về Trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1957 và 1984 (Occupiers’ Liability Act 1957, 1984)[2]. Khái niệm “premises” (tài sản) trong trường hợp này được hiểu là “bất kỳ một cấu trúc cố định hoặc di động nào bao gồm cả tàu, xe hoặc máy bay”[3]. Trách nhiệm BTTH trên tài sản của Anh được xây dựng dựa trên học thuyết về sự cẩu thả (the tort of negligence[4]). Theo Baron Alderson trong Blyth v Birmingham Waterworks Company (1856) 11 Ex Ch 781, “sự cẩu thả” (negligence) là “việc bỏ qua không thực hiện những điều mà một người bình thường… sẽ làm hoặc làm những việc mà những người thận trọng bình thường sẽ không làm”[5].
Filed under: 8. LUẬT DÂN SỰ NƯỚC NGOÀI, TNDS do tài sản gây thiệt hại | Leave a comment »