PGS.TS. BÀNH QUỐC TUẤN – Khoa Luật, Đại học Công nghệ TP.HCM
Là một trong các loại chủ thể phổ biến của Tư pháp quốc tế, pháp nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật pháp nhân phải thông qua người đại diện của mình (bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền). Vì vậy, việc xác định người đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế là vấn đề quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp của các quan hệ mà pháp nhân tham gia. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ phân tích những vấn đề liên quan đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế.
1. Xác định đại diện của pháp nhân trong Tư pháp quốc tế
Xác định đại diện của pháp nhân có ý nghĩa quan trọng trong Tư pháp quốc tế vì thông qua hành vi của người đại diện, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân khi tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể trên thực tế sẽ được xác lập, đặc biệt là quan hệ xác lập, thực hiện hợp đồng của các pháp nhân là doanh nghiệp. Theo Coronne Renault – Brahinsky (2002) thì xác định chủ thể có quyền ký kết hợp đồng là một trong những vấn đề quan trọng của pháp luật về hợp đồng. Còn theo Jean – Marc Favret (2002) thì xác định chủ thể có thẩm quyền ký kết hợp đồng luôn là nội dung điều chỉnh quan trọng của pháp luật hợp đồng Liên minh châu Âu. Trong Tư pháp quốc tế,việc xác định người đại diện của pháp nhân thường căn cứ vào quốc tịch của pháp nhân bởi lẽ Hệ thuộc Luật quốc tịch pháp nhân (Lex societatis) thường được áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp nhân nước ngoài. Điều này xuất phát từ thực tế pháp nhân luôn hoạt động ở nơi mình không có quốc tịch. Nói cách khác pháp nhân luôn được xem là chủ thể nước ngoài tại quốc gia pháp nhân đang hoạt động. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến pháp nhân, trong đó có vấn đề xác định người đại diện, thường căn cứ vào hệ thống pháp luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch.
Filed under: 6. QHDS CÓ YTNN, Chủ thể, LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ, PHÁP LUẬT QUỐC TẾ | Leave a comment »