ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC – Sau một thời gian tìm hiểu về cách thức vận hành, cơ chế giao dịch, ưu khuyết điểm của chứng quyền có bảo đảm, đặc biệt là những vấn đề cần chuẩn bị đối với các công ty chứng khoán muốn trở thành tổ chức phát hành chứng quyền, sẽ có nhiều câu hỏi được Quý độc giả đặt ra như: Tại sao phải triển khai sản phẩm này tại Việt Nam? Sản phẩm này có thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư không? Khi nào sẽ triển khai và loại chứng quyền nào được triển khai đầu tiên trên thị trường?, và trong bài viết này chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những thông tin nhằm giúp cho Quý độc giả giải đáp được những thắc mắc của riêng mình.
1. Tổng quan thị trường chứng quyền có bảo đảm trên thế giới và những nét tương đồng tại Việt Nam
Chứng quyền có bảo đảm đầu tiên xuất hiện vào những năm cuối thập niên 80 tại Hồng Kông, sau đó lan rộng và phát triển mạnh ở cả thị trường Châu Á và Châu Âu, đặc biệt từ năm 2003 đến nay, số lượng chứng quyền niêm yết và giá trị giao dịch đã tăng lên một cách nhanh chóng. Theo thống kê của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới, tính đến cuối năm 2015 đã có hơn 1,7 triệu loại chứng quyền được niêm yết trên toàn cầu và giá trị chứng quyền giao dịch đã đạt hơn 1.000 tỷ USD, và đặc biệt trong số Top 10 thị trường chứng quyền hàng đầu thế giới có 5 thị trường tại Châu Á bao gồm: Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.
Trong suốt thời gian xuất hiện trên thị trường chứng khoán, chứng quyền có bảo đảm luôn được đánh giá là một trong những sản phẩm tài chính phái sinh năng động nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư thích rủi ro bởi các đặc tính như tỷ lệ đòn bẩy cao, chi phí đầu tư thấp và vòng đời sản phẩm ngắn hạn. Nhìn tổng quan các thị trường có giao dịch chứng quyền sôi động và thành công như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan,… có thể thấy rằng phần lớn các nhà đầu tư cá nhân chính là thành phần tham gia tích cực vào thị trường.
Filed under: TÀI LIỆU THAM KHẢO, THÔNG TIN TƯ VẤN, Thị trường chứng khoán, THUẬT NGỮ | Leave a comment »